Nuôi tôm càng xanh khi không có lũ

Nước lũ về tràn qua những cánh đồng mang theo lượng thức ăn tự nhiên dồi dào, chất lượng nước tốt, hàm lượng oxy hòa tan cao là những điều kiện thích hợp để tôm phát triển. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, mực nước lũ hàng năm luôn ở mức thấp, không đủ để tràn đồng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến nghề nuôi tôm càng xanh của bà con.

Vì vậy, để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, người nuôi tôm cần thay đổi phương pháp nuôi truyền thống, nhằm nâng cao hiệu quả SX và đảm bảo được lợi nhuận.

Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong điều kiện không lũ cũng tương tự với cách nuôi truyền thống. Việc xây dựng vuông nuôi vẫn dựa trên các chân ruộng sau khi đã thu hoạch, tuy nhiên cần điều chỉnh một số biện pháp kỹ thuật như sau:

* Thiết kế ao nuôi: Người nuôi cần thiết kế ao ương nằm trong ao nuôi với diện tích khoảng 30% tổng diện tích ao nuôi. Ví dụ, ao nuôi có tổng diện tích khoảng 1ha thì ao ương chiếm diện tích 3.000m2 là hợp lý. Ao ương có tác dụng thuần dưỡng tôm trong giai đoạn ban đầu, giúp cho việc chăm sóc và quản lý được thuận lợi. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp nâng cao tỷ lệ sống của tôm nuôi.

Một ưu điểm nữa của việc xây dựng ao ương chính là giúp việc phân loại (đực và cái) khi thả tôm ra ao nuôi được dễ dàng, tốn ít chi phí cho việc kéo lưới, đồng thời giảm hao hụt do xây xát. Thời gian ương trung bình khoảng 2 - 2,5 tháng, sau thời gian trên, chỉ cần thu hoạch lựa chọn tôm đực cho ra ao lớn nuôi tiếp, đối với tôm cái (lúc này đã mang trứng) có thể giữ lại trong ao ương để nuôi tiếp hoặc bán tùy theo nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, bờ ao cũng phải được làm đủ cao, được gia cố chắc chắn, chống hiện tượng ngập lụt, sụt lở và thất thoát nước làm thay đổi môi trường trong quá trình nuôi. Đảm bảo mực nước trong ao ương phải luôn ở mức 1,2 - 1,4m, riêng mực nước trong ao nuôi phải sâu hơn, từ 1,8 - 2m. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để có thể nuôi tôm càng xanh trong điều kiện không có lũ. Ao nuôi phải có cống cấp và thoát riêng biệt, đảm bảo cấp thoát nước dễ dàng, thuận tiện.

* Áp dụng biện pháp kỹ thuật mới: Đối với phương pháp nuôi mùa lũ, hàm lượng oxy hòa tan trong nước cao, có dòng chảy nhẹ, phù hợp cho tôm phát triển. Tuy nhiên trong điều kiện nuôi khép kín nguy cơ thiếu oxy cục bộ là có thể xảy ra, đặc biệt là trong giai đoạn ương dưỡng. Vì vậy, cần thiết phải có hệ thống quạt nước được lắp đặt trong ao ương nhằm làm tăng hàm lượng oxy hòa tan, giúp tôm sinh trưởng và phát triển tốt.

Tác dụng của máy quạt nước là giúp tạo dòng chảy, cung cấp oxy cho tôm nuôi, gom chất lắng tụ như thức ăn dư, chất thải của tôm… Máy quạt nước được đặt cách xa bờ 3 - 4m nhằm tránh hiện tượng dòng chảy làm vỡ bờ hay làm đục nước sẽ ảnh hưởng đến hô hấp của tôm. Đối với ao nuôi không cần thiết phải lắp đặt quạt nước do lúc này tôm được nuôi với mật độ thưa, nhu cầu oxy không quá cao. Ngoài ra, người nuôi cần đặt giá thể (chà) trong ao nuôi, giá thể được làm bằng những loại cây không có tinh dầu như tre, nứa, bần… được đặt nghiêng một gốc 30 độ so với mặt đáy ao. Việc đặt giá thể giúp tôm có chỗ trú ẩn và tránh hiện tượng ăn nhau khi lột xác là giảm tỷ lệ sống.

Sử dụng máy quạt nước

*Chế độ chăm sóc, quản lý: Mật độ nuôi trong ao ương là khoảng 50 con/m2, thời gian ương từ 2 -2,5 tháng. Lúc này tôm cái đã bắt đầu mang trứng và có thể phân biệt bằng mắt thường, ta tiến hành kéo lưới để lựa tôm đực cho ra ao nuôi tiếp tục khoảng 3 - 4 tháng nữa. Đối với tôm cái, đến giai đoạn sinh sản sẽ không tăng trọng do tôm tập trung dinh dưỡng để phát triển buồng trứng, vì vậy nếu tiếp tục nuôi sẽ không hiệu quả, nên bán đi để thu hồi một phần chi phí.

Về thức ăn, nên sử dụng cả 2 loại thức ăn công nghiệp (có độ đạm từ 38 - 42%) và (thức ăn tươi sống như cua, ốc, cá tạp…). Khẩu phần cho ăn dao động từ 5 - 30%/trọng lượng tôm/ngày. Lượng thức ăn cung cấp cho tôm nuôi sẽ được điều chỉnh theo sự tăng trọng và sức khỏe của tôm nuôi. Tuy nhiên, cần lưu ý không sử dụng quá nhiều thức ăn tươi sống để tránh làm ô nhiễm môi trường nước trong ao.

Trong điều kiện nuôi không có lũ, người nuôi cần định kỳ kiểm tra chất lượng nước ao để có biện pháp xử lý kịp thời. Các yếu tố như màu nước, nhiệt độ, pH, độ kềm và độ trong nên kiểm tra hàng tuần hoặc hàng ngày khi chất lượng nước ao thay đổi do thời tiết thất thường. Ngoài ra, cần kiểm tra trọng lượng tôm nuôi hàng tháng để có những biện pháp điểu chỉnh kịp thời. Người nuôi cũng cần kết hợp sử dụng các loại men vi sinh định kỳ để duy trì chất lượng môi trường nước ao nuôi luôn ở mức thích hợp. Lưu ý cần lựa chọn các sản phẩm được cung cấp bởi các nhà sản xuất có uy tín, chất lượng nhằm tăng hiệu quả và giảm chi phí SX.

< Trở lại