Nghệ An hạn hán chưa từng thấy

Cấp tập lập trạm bơm dã chiến Nắng hạn gay gắt kéo dài khiến đa số các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An mực nước xuống thấp đến mức báo động, hầu hết các hồ chứa chỉ còn 20% dung tích thiết kế, nước trên các sông suối cũng cạn kiệt. Các trạm bơm dọc sông Lam của các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn đều ngừng hoạt động vì thiếu nước. Chị Nguyễn Thị Hoa, xã Nam Giang (Nam Đàn – Nghệ An) cho hay: “Nhà tui đã phải đổ hết lúa giống mọc mầm cho vụ hè thu, ruộng nứt toang hoang, không có giọt nước nào từ kênh mương dẫn vào cứu lúa. Nắng nóng kéo dài thế này, nước uống cũng không đủ nói chi nước để sản xuất!”. Toàn tỉnh Nghệ An có 30% diện tích (khoảng 15.000ha) lúa hè thu bị thiếu nước không thể gieo cấy. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và PCLB Nghệ An Nguyễn Sỹ Hưng cho hay: “Trong số 42.440 ha lúa hè thu đã gieo cấy có khoảng 4.500ha mất trắng, huyện Nam Đàn bị thiệt hại nặng nhất (1.500 ha), Yên Thành 1.200 ha, Hưng Nguyên 500 ha, Đô Lương 400ha. Hơn 2.500 ha ngô bị cháy khô; gần 2.000 ha chè bị cháy lá; hàng trăm hécta rau màu (đậu, vừng) không gieo trồng được, số diện tích rau màu vừa trồng cũng đã chết khô vì hạn hán. Công tác chống hạn đang rất cấp bách”. Mực nước sông Lam những ngày này có lúc xuống thấp khiến nhiều trạm bơm tại Thanh Chương, Đô Lương tê liệt. Dọc bờ sông, các trạm bơm dã chiến được cấp tập lắp đặt tại nơi có nước để điều tiết thủy lợi, vòi nước được kéo sâu xuống đáy sông, tranh thủ mọi phương án bơm nước cứu cây trồng. Theo ông Nguyễn Văn Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, đây là “một năm hạn hán lịch sử chưa từng gặp, một trận hạn hán không có từ nào để tả được sự trầm trọng”. Nắng nóng, gió Tây Nam rát mặt, nguồn nước khô cạn đang giết chết hàng triệu cây nông nghiệp. Đã xảy ra 11 vụ cháy rừng thông tại 5 huyện, thiêu trụi 45ha rừng. Thủy lợi cầu cứu thủy điện Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường vừa có cuộc họp với các sở, ngành, triển khai thực hiện công điện của Bí thư Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh phòng chống hạn. Ông Đường đề nghị ngành nông nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, mùa vụ hợp lý đối phó với nắng hạn. “Những diện tích lúa không đủ nước tưới, cần chuyển sang gieo trồng các loại cây khác để tập trung duy trì nguồn thủy lợi cứu lúa đã gieo cấy; Cử cán bộ bám sát địa bàn cùng bà con nông dân bám đồng ruộng, có biện pháp giúp dân khắc phục hạn hán, ổn định sản xuất vụ hè thu cũng như bảo vệ đàn gia súc, gia cầm”, công văn của Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trực tiếp về các “điểm nóng hạn hán” như Hưng Nguyên, Thanh Chương, Quỳnh Lưu chỉ đạo việc chống hạn. Để cứu vụ hè thu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu các nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố có lịch xả nước phù hợp để cung cấp nước cho vùng hạ du; Sở NN&PTNT phải cử lãnh đạo xuống tận hiện trường để chỉ đạo, phân phối nguồn nước cho các hồ đập Bản Vẽ, Khe Bố, xả lưu lượng nước phù hợp cho hệ thống thủy lợi Bắc và thủy lợi Nam. “Tại những điểm có nước, Sở Nông nghiệp, Chi cục Thủy lợi phải có người túc trực 24/24h để khẩn cấp bơm nước cứu cây trồng; tại các điểm còn nước cả sông, suối, ao hồ, chỗ nào có nước chỗ đó phải lắp đặt máy bơm dã chiến để đưa nước vào ruộng cho dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo. Tại huyện Quỳnh Lưu, Vực Mấu là một trong những hồ chứa nước lớn nhất tỉnh cũng rơi vào tình trạng cạn kiệt. Tại đây, nước dẫn về các mương thủy lợi hầu như ngừng hoạt động vì thiếu nước, thay vào đó các máy bơm dã chiến được lắp đặt. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Văn Hoa cho hay: “Khô hạn gay gắt buộc thủy lợi phải cầu cứu thủy điện thôi. Thực hiện chỉ thị của tỉnh, chúng tôi cử người trực tiếp xuống tận các công trình thủy điện để phối hợp cùng với đơn vị này điều tiết xả nước khẩn cấp về cứu cây trồng, cứu lúa hè thu cho dân”. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung bộ, nắng nóng tại Nghệ An có khả năng kéo dài, khiến hạn hán những ngày tới càng thêm khốc liệt. Chi gần 500 tỷ đồng khắc phục hạn hán Bộ Tài chính vừa thông báo bổ sung có mục tiêu 492,5 tỷ đồng cho các địa phương để hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2014-2015. Theo đó, có 36 tỉnh, thành phố được nhận hỗ trợ đợt này. Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện có hiệu quả việc khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn. Gần 8.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt Ngày 15/6, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, nắng nóng kéo dài khiến 7.760 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Trong đó, nhiều nhất là huyện Hoài Nhơn có 3.860 hộ, Phù Cát 1.150 hộ, Phù Mỹ 940 hộ, thành phố Quy Nhơn 800 hộ… Ngoài ra, trên 190 tấn sản lượng thủy sản bị thiệt hại do nắng nóng và dịch bệnh, ước trị giá khoảng 8,5 tỷ đồng.

Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/

< Trở lại